Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - VĂN HÓA XÃ HỘI XÃ PHÚC SEN

  1. Điều kiện tự nhiên

       Xã Phúc Sen nằm ở Tây Bắc của huyện Quảng Hòa, cách trung tâm huyện khoảng 03 km về phía Tây, cách thành phố Cao Bằng khoảng 32km về phía Đông. Phía Đông giáp thị trấn Quảng Uyên và xã Chí Thảo; phía Tây giáp xã Quốc Toản; phía Nam giáp xã Tự Do; phía Bắc giáp xã Phi Hải.

        Tổng diện tích tự nhiên của xã là: 3.139,86 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp: 2.969,67 ha, chiếm 94,58%, Đất sản xuất nông nghiệp: 775,78 ha, chiếm 24,71% Đất lâm nghiệp: 2191,58 ha, chiếm 69,8%, Đất nuôi trồng thủy sản: 2,08 ha, chiếm 0,07%, Đất nông nghiệp khác: 0,23 ha chiếm 0,01%; Đất phi nông nghiệp: 120,78 ha, chiếm 3,85%; Đất chưa sử dụng: 49,41 ha chiếm 1,57%. Bình quân diện tích đất tự nhiên: 0,75 ha/người, bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp 0,186 ha/người.

Khí hậu, thời tiết: Khí hậu của xã mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, chia thành 4 mùa rõ rệt; Mùa xuân ấm áp, Mùa hè nóng, Mùa thu mát dịu, Mùa Đông lạnh giá. Đặc biệt có 2 mùa cảm nhận chênh lệch về nhiệt độ lớn giữa mùa hè và mùa đông: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, có gió lốc, mưa đá và lũ quét cục bộ, từ tháng 5 đến tháng 9 trong năm, nhiệt độ trung bình từ 250C - 270C; mùa đông lạnh, khô hanh, có gió mùa Đông Bắc, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 150C - 200C. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 mm, lượng mưa thấp nhất vào tháng 01, đôi khi có mưa đá vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Gió mùa Đông Bắc xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau; gió mùa Đông Nam bắt đầu từ tháng 5 kết thúc vào tháng 9. Độ ẩm trung bình khoảng 81%, lượng nước bốc hơi trung bình 856 mm, đôi khi có sương muối xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 02 năm sau. Hình thái khí hậu, thời tiết cực đoan rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và cây trồng vụ đông, đông xuân.

        Địa hình, địa mạo: Xã Phúc Sen có địa hình khá phức tạp, chủ yếu là núi đá vôi có độ cao hình thành các thung lũng dốc tụ nhỏ hẹp. Địa hình của chia thành 3 dạng rõ rệt: Địa hình núi đá vôi, chia cắt mạnh; địa hình thung lũng dốc tụ. Tất cả các thung lũng đều chảy từ hướng Đông - Nam và Tây - Bắc, chỉ duy nhất thung lũng Khào chảy theo hướng Đông - Tây.

         Thủy văn: Mạng lưới hệ thống dòng chảy của xã phân bố khá đồng đều, các khe rạch nhỏ tại các thung lũng, rạch cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của đời sống nhân dân. Tuy nhiên, lưu lượng nước phân bố không đều và thường bị cạn kiệt nước về mùa khô gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nước mưa, nước mặt từ các mỏ, rằng (hồ nhỏ). Trong vụ hè thu, một số diện tích bị hạn hán trong mùa khô và ngập úng cục bộ trong mùa mưa.

        2. Các nguồn tài nguyên

        Tài nguyên đất: Xã Phúc Sen có các loại đất chính sau: Đất phù sa (Fl), đất xám (X), đất đỏ (F), đất nâu (R), đất tích vôi (V), đất xói mòn trơ sỏi đất. Nhìn chung, thổ nhưỡng Phúc Sen cho phép phát triển đa dạng các loại cây trồng, phù hợp với các loại cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới.

         Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt của xã Phúc Sen không được phong phú, do cấu tạo địa chất cộng với địa hình cao, chủ yếu là các khe nước mỏ, nước hồ nhỏ (nước Rằng), nước ngầm độ sâu khoảng từ 7-10m, địa hình dốc nên khả năng giữ nước vào mùa khô rất thấp. Lượng nước tự chảy không đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất mà phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên lượng mưa và khai thác tận dụng nguồn nước ngầm.

          Tài nguyên rừng: Chủ yếu là rừng trồng trên các hốc núi đá vôi, rừng trồng tái sinh, phân bổ đồng đều trong toàn xã.

Tài nguyên khoáng sản: Trên địa bàn xã có các khoáng sản như quặng non Bô xít, các mỏ đá vôi phong phú có tiềm năng khai thác làm vật liệu xây dựng phân bố rải rác trên địa bàn toàn xã.

        Tài nguyên nhân văn: Xã chủ yếu dân tộc Nùng (Nùng An) sinh sống, 5% là các dân tộc khác như tày, kinh... nên vẫn giữ được phong tục tập quán riêng, đặc trưng. Có 03 làng nghề đó là Làng nghề Hương Phia Thắp, làng nghề Giấy Bản Quốc Dân, và làng nghề rèn Phúc Sen, các làng nghề đã góp phần công tác bảo văn hóa của dân tộc và nâng cao thu nhập cho người dân. Hng năm trên địa bàn xã có lễ hội Thanh Minh, diễn ra các hoạt động văn hóa khá phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc. Tại các khu làng xóm có các miếu nhỏ ở đầu làng, điểm này dễ nhận biết các khu xóm trên địa bàn xã, đồng thời cũng mang ý nghĩa tâm linh cho các hoạt động thường ngày của nhân dân, đặc biệt là mỗi dịp tết, lễ trong năm.

        Do còn lưu giữ được khá nhiều các yếu tố truyền thống, năm 2018 được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc Unesco khảo sát cộng nhận 2 điểm Làng nghề rèn Pác Rằng và Làng Hương Phia Thắp là di sản Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, tạo điều kiện du khách đến tham quan trải nghiệm, góp phần đưa hình ảnh sản phẩm làng nghề đến với cả nước.

        3. Đời sống văn hóa - tín ngưỡng.

        Xã Phúc Sen là địa bàn quần cư lâu đời, chủ yếu dân tộc Nùng (Nùng An) sinh sống, 5% là các dân tộc khác như tày, kinh, dao... đến làm dâu, dể nên vẫn giữ được phong tục tập quán riêng, đặc trưng nhà sàn truyền thống cộng với gìn giữ các làng nghề truyền thống, đã tạo ra các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc.

Về đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Phúc Sen khá phong phú và đa dạng. Trước đây, do điều kiện hinh tế còn khó khăn, đa số người dân phải ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, tình trạng thiếu ăn từ 3 đến 6 tháng trong năm là khá phổ biến. Hiện nay, cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, do ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác lao động sản xuất, hiệu quả lao động tăng lên nên đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ rệt, trong thời kỳ đổi mới được Đảng và nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý, năm 2000 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, năm 2019 làng nghề Rèn của xã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân xã Phúc Sen có những nét văn hóa đặc trưng riêng của Người Nùng An, đó là văn hóa ở nhà sàn, trang phục vải nhuộm chàm. Trong các bản, làng hiện nay người dân vẫn có thói quen làm và ở nhà sàn mái lợp ngói âm dương, rộng từ 2 đến 3 gian, được làm kiên cố bằng gỗ nghiến, vừa cao ráo vừa thoáng mát, các cột nhà được đặt trên những tảng đá do bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đục, đẽo tạo thành hình trụ khối vững chắc, đá ngoài việc làm trụ đứng cho cột nhà, còn được xếp thành hàng rào chống sạt lở cho đất canh tác, rào ngăn gia súc không phá hại cây trồng tại các cánh đồng, quanh các hộ dân trong làng...

         Những nét sinh hoạt văn hóa của người dân xã Phúc Sen còn được thể hiện rõ hơn trong các dịp cưới xin, ma chay, đặc biệt là trong Lễ hội Thanh Minh hằng năm, nhân dân trong xã tham gia lễ hội với những bộ trang phục dân tộc quần, áo nhuộm Chàm, đặc biệt là trẻ em được mẹ sắm cho chiếc mũ có hoa văn đặc sắc hình hoa lê: Các xóm thành lập đoàn đến tham lẽ hội thi các môn thể thao dân tộc, các hoạt động trò chơi dân gian; các làng nghề thi các hoạt động sinh hoạt thường ngày mình tạo ra những sản phẩm. Phần lễ diễn ra các hoạt động lễ cúng Miếu Rận tại Thanh Minh và các điểm tâm linh trên bãi Thanh Minh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người tham gia lễ hội luôn có sức khỏe và bình an. Đây cũng là dịp để bà con nhân dân có cơ hội thi tài và bày tỏ tình thân ái; trong ngày tổ chức lễ hội cùng với các làn điệu Hèo phưn, lượn ấm áp trữ tình, đằm thắm yêu thương của người dân trong xã, ngoài ra còn có những tiết mục hát lượn của các địa phương khác trong vùng đến giao lưu như hát đàn Tính, Phong sư, Xà xá, Pật lằn của xã bạn đến giao lưu chia sẻ, khát khao cùng hướng tới một ngày mai với những niềm tin và hy vọng…

           Trong các đám cưới, đám hỏi của người Nùng vẫn còn giữ được nét truyền thống, cô dâu đến nhà trai mặc trang phục Nùng, đoàn đưa dâu vẫn được giữ nguyên nét truyền thống, 4 người tháp tùng, 01 người đàn ông, 02 bé gái, 02 cô đưa dâu. Trong các đám cưới thường có hát đối đáp bằng làn điệu Hèo phưn giữa các thanh niên với nhau… Những chàng trai, cô gái ngày xưa cũng thổ lộ và gửi gắm những tình cảm cho nhau thông qua các làn điệu hèo phưn, câu lượn… Đây là những nét văn hóa vô cùng đặc sắc thể hiện sự tinh tế trong nét đẹp văn hóa và ý nhị trong giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động đến nay một số truyền thống văn hóa đã không còn giữ được sự nguyên vẹn… Các thế hệ trẻ xã Phúc Sen cần phải tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa quý báu của cha ông và tiếp tục sáng tạo, không ngừng làm phong phú thêm về đời sống văn hóa của quê hương.

         Về tín ngưỡng, người dân Phúc Sen có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tục thờ cúng tổ tiên khá sâu sắc, đã trở thành một tập tục truyền thống, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam nói chung và người dân Phúc Sen nói riêng. Gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình, bàn thờ gia tiên có 2 tầng, tầng dưới thờ những người đã khuất trong gia đình, tầng thứ 2 thờ các vị thần phù hộ trẻ em và những người trong gia đình. Đó không chỉ là một loại hình tín ngưỡng mà cao hơn còn là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên; ngoài ra còn thờ các vị thần giúp cai quản trong nhà như thần bảo vệ gia súc, gia cầm, thần giữ lửa, thần gác cửa để không cho quỷ dữ và các cô hồn lang thang vào nhà.

          Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gia đình, các làng trong xã còn có Miếu được gọi là thần hộ mệnh của cộng đồng làng xã, và thờ thần cai quản của cải ở cánh đồng. Tục thờ các miếu đầu làng đã có từ lâu, các vị thần được thờ chủ yếu là thần hộ mệnh cai quản chung cho cả làng, người dân đến đây cúng bái mỗi khi gia đình có việc như có đám hỷ, đám hiếu, mừng thọ, mừng nhà mới và các ngày tết trong năm, ngày tết Nguyên đán, ngày 03/3 âm lịch, ngày rằm tháng bảy...

          4. Truyền thống lịch sử, cách mạng

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ người con của Phúc Sen luôn nêu cao tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, kiên cường và anh dũng đứng lên cùng với nhân dân cả nước kháng chiến, giành thắng lợi và hiện nay đang tiếp tục vững bước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

         Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Phúc Sen đang có những điều kiện thuận lợi để phát triền kinh tế, văn hóa - xã hội, chắc chắn rằng những giá trị đích thực của lịch sử sẽ còn luôn vận động, kết nối giữa cội nguồn, hiện tại và tương lai, đó là niềm tự hào, quý giá rất đáng được trân trọng!.

         5. Xây dựng quê hương phát triển kinh tế - xã hội

        Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân xã Phúc Sen tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tập trung đoàn kết đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đời sống kinh tế của nhân dân ngày một nâng cao. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì và bảo tồn và phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm cho nhân dân. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên, nhiều công trình văn hóa được xây dựng, đảm bảo nhu cầu hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân… Bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới, các công trình phúc lợi như đường giao thông, điện chiếu sáng, nhà văn hóa, khu tập luyện thể dục thể thao xã, xóm được đầu tư xây dựng. Công tác chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thực hiện tốt. An ninh chính trị ổn định, phong trào quần chúng bảo vệ an Tổ quốc duy trì thường xuyên, hiệu quả, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quí, xã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

         Để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Sen quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã Phúc Sen phát triển bền vững.

 

Tin mới


Đăng nhập

ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang